Nhật Bản là một trong những điểm du lịch hấp dẫn suốt 4 mùa trong năm và đương nhiên cũng không phải là một quốc gia dễ dàng cấp visa cho bất kì ai. Nhưng cũng đừng quá lo sợ về vấn đề này mà làm ảnh hưởng đến giấc mơ Nhật tiến của bạn. Bài viết dưới đây tóm tắt một cách tương đối đầy đủ nhất những thông tin cần thiết để bạn tự chuẩn bị được hồ sơ cá nhân và học nhanh những kinh nghiệm xin visa du lịch Nhật Bản hiệu quả nhất, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức và tiền bạc. Lấy giấy bút ra ghi nhanh thôi nào.

1. Bộ hồ sơ cần những giấy tờ gì?
– Hộ chiếu: Đảm bảo hộ chiếu còn thời hạn từ 6 tháng trở lên.

– Đơn xin visa: Bộ đơn xin visa du lịch Nhật Bản cần được làm cẩn thận và đầy đủ với các loại giấy tờ cơ bản gồm: tờ khai xin cấp visa (có mẫu trên website Đại sứ quán Nhật Bản), lịch trình du lịch và lưu trú, giấy xác nhận việc làm (viết bằng tiếng Anh) và đơn xin nghỉ phép có chứng nhận từ công ty mà bạn đang làm việc. Lưu ý rằng bạn phải ghi rõ ngày xin visa và chữ kí trong các văn bản phải khớp với chữ kí trong hộ chiếu. Nhiều bạn kí tùy hứng, kí theo cảm xúc, kí đại rất nguy hiểm nhé.

– Hình thẻ: Hình thẻ size 4.5 cm x 4.5 cm được chụp trong vòng 6 tháng trở lại và ghi tên họ đầy đủ vào mặt sau. Rất nhiều trường hợp ảnh chụp và người thực không giống nhau cũng dễ bị từ chối bởi nhiều lý do cá nhân.

Chứng minh tài chính là một điều hết sức quan trọng để đảm bảo khả năng chi trả cho chuyến du lịch của bạn tại Nhật Bản. @internet
– Hồ sơ chứng minh khả năng tài chính: Điều này rất quan trọng nhé, không phải chỉ có đi du học mới cần chứng minh tài chính đâu. Nếu nhận lương qua tài khoản, bạn hãy đến ngân hàng, xin sao kê tài khoản lương 3 tháng gần nhất, có mộc đỏ trên bản sao kê. Nếu nhận lương bằng tiền mặt, bạn đến công ty và xin một bản chứng nhận lương của 3 tháng gần nhất, có chữ kí và mộc đỏ của công ty. Tất cả đều sử dụng bản gốc.

– Bên cạnh đó, số dư tài khoản bạn cũng cần phải lưu ý thật kĩ. Một cuốn sổ tiết kiệm mang tên mình có giá trị 100 triệu đồng trở lên. Bạn có thể đến ngân hàng xin cấp một bản chứng nhận số dư tài khoản, bản tiếng Anh các bạn nhé. Bạn chỉ cần đến ngân hàng trình bày lý do là nhân viên sẽ hiểu và hỗ trợ bạn. Chi phí xin sao kê tại mỗi ngân hàng là khác nhau.

– Bản sao y hợp đồng lao động, có đóng dấu treo của công ty thì càng tốt. Tất cả những giấy tờ mang theo phỏng vấn tốt nhất có bản sao và bản chính để đối chiếu ngay khi cần thiết.

– Đơn xin nghỉ phép có xác nhận của công ty nơi bạn đang làm việc.

– Lịch trình lưu trú: Bạn có thể tải một mẫu đơn khai lịch trình lưu trú tại trang web của Đại sứ quán Nhật Bản về các địa phương sẽ đến, các điểm tham quan, khách sạn lưu trú, kèm theo đó là các thông tin xác nhận đặt phòng, vé máy bay. Lịch trình của bạn càng rõ ràng, càng chi tiết thì càng tốt. Việc chỉ ghi chung chung thành phố bạn đến, không ghi rõ địa điểm tham quan (công viên, bảo tàng, trung tâm thương mại…), địa chỉ nơi cư trú sẽ khiến hồ sơ của bạn dễ bị từ chối. Bạn nên gửi đính kèm trong hồ sơ cả xác nhận đặt phòng khách sạn và vé máy bay (không xuất vé cho đến khi có visa) để thông tin được xác thực hơn. Đối với những cặp đôi là vợ chồng thì cũng thủ thêm cả đăng kí kết hôn bản sao trong hồ sơ luôn nhé.

*Một vài lưu ý phải ghi nhớ: Bạn sẽ không được trả lại những giấy tờ đã nộp. Nếu có những giấy tờ cần phải trả lại thì phải thông báo trước khi nộp hồ sơ. Ngoài ra những giấy tờ cần phải trả lại bản gốc (giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy nhập học…) và giấy tư cách lưu trú thì phải cầm sẵn theo một bản sao nhé.